Khi Microsoft lên sàn chứng khoán, bốn người lập tức trở thành tỷ phú, 12.000 nhân viên của hãng thành triệu phú.
Khi cổ phiếu Apple niêm yết, hơn 300 người lập tức trở thành triệu phú. Sau phiên IPO cổ phiếu Google, số người trở thành tỷ phú không được tiết lộ, nhưng trên 900 nhân viên đã thành triệu phú.
Nghiên cứu chỉ ra, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã tạo ra xấp xỉ 38% việc làm mới tại Mỹ trong thập kỷ qua. Nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ hôm nay vẫn đang tăng trưởng về kích cỡ, liên tục tạo việc làm và đóng góp vào sự thịnh vượng địa phương. Hiện tượng tỷ phú và triệu phú trên chỉ là một biểu hiện dễ thấy.
Bắt chước theo mô hình Mỹ, hai công ty Trung Quốc, Alibaba và Tencent cũng đã tặng cổ phần cho nhân viên của họ. Và khi họ lên sàn chứng khoán, tuy con số chính xác không được tiết lộ, hàng nghìn nhân viên đã trở thành triệu phú.
Làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ dâng lên thập kỷ qua đã khuyến khích nhiều người trẻ lao vào khởi nghiệp, mơ ước tạo ra công ty riêng, được dẫn lái bởi giấc mơ rằng họ cũng có thể thành công như Steve Jobs. Nhiều chính phủ cũng nhận ra rằng doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có thể trở thành người đi đầu tạo ra đột phá tăng trưởng cho đất nước.
Nhưng, dường như nhiều người, gồm cả những lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp, chưa có cái nhìn đầy đủ về vai trò của khoa học công nghệ với nền kinh tế, trong đó cốt lõi là tinh thần khởi nghiệp và tạo việc làm.
Người ta vẫn đưa ra vô số ý kiến về cách mạng công nghiệp thứ tư và ảnh hưởng của nó lên các nền kinh tế. Một số tin rằng tác động này sẽ nghiêm trọng với các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc hơn là các nước Đông Nam Á và châu Phi. Đó là sai lầm. Cuộc cách mạng này sẽ tàn phá các nước đang phát triển nhiều hơn, vì họ đã không chuẩn bị tốt khi nó đến.
Tác động của cách mạng 4.0 có thể được mô tả bằng ba từ: vận tốc, phạm vi và xã hội. “Vận tốc” tức là nó gây ra tác động và biến đổi rất nhanh, thường với tốc độ của Internet. “Phạm vi” nó tác động là với mọi ngành, mọi doanh nghiệp lớn và nhỏ, trên khắp thế giới ở bề rộng. “Xã hội” chỉ chiều sâu của sự tác động, tới mọi người, mọi tầng lớp giàu và nghèo, bất kể họ làm việc gì.
Sự thật là nhiều phát kiến công nghệ như điện toán đám mây, Intenet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robotics, kỹ nghệ Nano, in 3D, xe điện và xe tải tự lái, dữ liệu lớn… đã thay đổi thế giới.
Không lâu trước đây, xe tự lái còn là chuyện khoa học viễn tưởng, ngày nay nó là thực tại. Robots thông minh có thể làm nhiều việc đã từng chỉ xảy ra trong phim, ngày nay là thực tại. Lao động giá rẻ từng được coi là lực lượng then chốt trong nền kinh tế, nhưng ngày nay tự động hoá và robotics mới là ưu thế. Cũng không lâu trước, thuê ngoài (outsourcing) là chiến lược kinh doanh tiên tiến, nhưng ngày nay, việc chuyển công xưởng về công ty để tự động hoá mới là cách tốt nhất để tăng lợi nhuận.
Lịch sử đã mất trên 100 năm để điện thay thế hơi nước, trên 50 năm để điện thoại thay thế điện tín. Nhưng chỉ không đầy 10 năm, robots thay thế nhiều công nhân và chỉ mất 5 năm để văn phòng thông minh thay thế con người. Những công ty vận tải công nghệ trên dưới 5 tuổi đã có thể phá huỷ ngành công nghiệp vận tải, đẩy các tài xế taxi và xe tải ra khỏi sinh kế, chẳng mấy chốc các loại xe ô tô và xe tải cũng không cần người lái. Những công ty mới khởi nghiệp 5 -7 năm đã dễ dàng xô đổ những ngành đã tồn tại hàng trăm năm.
Trong thế giới dần được dẫn lái bằng công nghệ, chúng ta ta cần lực lượng lao động có kỹ năng, giỏi kỹ thuật, có tư duy công nghệ để tương thích với thách thức.
Khi giảng dạy ở các nước châu Á, tôi thấy họ nhắc tới “khởi nghiệp” nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác. Nhưng thực tế, không có nhiều công ty khởi nghiệp lớn thành công ở châu Á.
Một giáo sư châu Á giải thích rằng, phần lớn người phương Đông thích mơ mộng nhưng không mấy ai hành động. Trong văn hoá Á đông, thất bại là thứ tồi tệ. Nhiều người mơ làm Bill Gates hay Steve Jobs nhưng rất ít người chấp nhận rủi ro để bất chấp tất cả với công ty riêng của mình.
Tôi ngạc nhiên, vì để thành công, doanh nhân phải sẵn lòng nhận rủi ro và thất bại như một phần của việc học. Mọi doanh nhân thành công đều trải nghiệm thất bại, kể cả Bill Gates và Steve Jobs. Không ai giàu ngay lập tức. Tôi nghĩ mọi khóa học về khởi nghiệp nên bắt đầu bằng bài học thất bại.
Hệ thống giáo dục của nhiều nước bị tụt lại nhiều năm sau các nước nên điều học sinh đang được dạy gần như lỗi thời. Không thể thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển đội ngũ doanh nhân thế hệ mới nếu dựa trên hệ thống tư duy cũ. Cho dù vẫn có những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, những doanh nhân đã tự học kỹ năng mới từ Internet, nhưng họ là thiểu số.
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đã ở đây rồi. Nền tảng của mọi công ty khởi nghiệp thành công là công thức: công nghệ là tri thức lõi được hình thành nhờ chiến lược đào tạo mạnh về khoa học và công nghệ.
Muốn thành tựu mới phải buông bỏ kiến thức cũ, cài đặt lại tư duy mới cho người quản lý nhà nước và mọi thầy cô giáo. Những người này sẽ liên tục cập nhật, điều chỉnh chính sách, đào tạo thế hệ tương lai để ứng phó với thay đổi.
Không có số lượng lớn kỹ sư phần mềm, lập trình viên, kỹ sư mạng, chuyên gia dữ liệu và trí tuệ nhân tạo giỏi, không thể có các đế chế như ở thung lũng Silicon. Chúng ta chỉ có thể cải tiến năng suất nền kinh tế nhanh và bền vững bằng cách tập trung thúc đẩy và hỗ trợ các công ty để họ thành công thực sự.
Dù không phải ai khởi nghiệp cũng thành triệu phú, nhưng sự thành công của các doanh nghiệp sẽ mau chóng cải thiện tính cạnh tranh của đất nước.
Phát triển quốc gia khởi nghiệp thực thụ đòi hỏi chính phủ đổi thay cách nghĩ, hội tụ nhiều hơn vào khoa học và công nghệ thông qua các chính sách thiết thực, đồng thời cải tiến hệ thống giáo dục.
Tôi nói với giáo sư đồng nghiệp rằng không có trọng tâm đúng, giáo dục đúng, quốc gia không thể có hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh. “Cách mạng 4.0” vẫn là cụm từ dùng cho sang nhưng không tạo ra triệu phú nào.
Nguồn: John Vũ